Sau một năm học tại trường Đại học Kinh tế TPHCM, các bạn đã quen với các sinh hoạt trong trường, các giờ đến lớp và những hoạt động ngoại khóa. Bước vào giai đoạn chuyên ngành, các môn học sẽ có yêu cầu cao hơn, cần sự chủ động trong việc học và tự học.
Ngoài ra, trong giai đoạn chuyên ngành này, các bạn có những cơ hội để phát huy năng lực bản thân và chuẩn bị một hành trang tốt cho sự nghiệp trong tương lai:
- Học song bằng: tìm kiếm và theo đuổi một ngành học thứ hai, để có thể tốt nghiệp với 2 chứng chỉ
- Học cải thiện điểm: nếu điểm số chưa phù hợp, bạn có thể đăng ký học lại để có thể cải thiện điểm số của mình.
- Tham gia ban điều hành các CLB/ Đội/ Nhóm để đóng góp và xây dựng các giá trị tốt đẹp cho cộng đồng sinh viên
- Tìm kiếm công việc làm thêm để có nguồn tài chính và để thực hành những kỹ năng chuyên môn
- Tìm kiếm thông tin học bổng
- Chuẩn bị cho Nghiên cứu khoa học
Những câu hỏi sinh viên thường thắc mắc
1. Trong quá trình học, nếu thấy ngành học không phù hợp, em có thể đổi chuyên ngành hay không?
Vì mỗi chương trình học được thiết kế riêng biệt, nên Sinh viên không thể đổi ngành học.
2. Em nên đi làm thêm hay tham gia CLB/ Đội/ Nhóm?
Tham gia CLB Học thuật tại trường luôn giúp các em có những trải nghiệm để rèn luyện kỹ năng làm việc và trao đổi kiến thức. Tuy nhiên, việc tham gia các hoạt động cộng đồng tại UEH hoặc tại TPHCM là một cách để dấn thân và đóng góp xây dựng, nên giá trị mà em cùng chung tay với mọi người đem lại cho cộng đồng sẽ là quan trọng nhất. Việc tham gia CLB/ Đội/ Nhóm ở những vị trí quản lý và tổ chức sẽ không hoàn toàn vì mục tiêu học những kỹ năng để áp dụng vào công việc sau này, vì môi trường hoạt động giữa CLB và công ty khác nhau, mục tiêu và sứ mệnh cũng khác nhau.
Đi làm thêm giúp em có thu nhập và sẽ tốt hơn nếu những việc làm có liên quan ít nhiều đến chuyên môn đã học.
3. Sinh viên có bắt buộc tham gia tuần lễ sinh hoạt công dân không?
Sinh viên bắt buộc phải tham gia tuần lễ sinh hoạt công dân theo qui định của Bộ giáo dục và đào tạo . Theo công văn 2929/BGDĐT-GDCTHSSV – V/v: Hướng dẫn tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân – HSSV” trong các trường ĐH, CĐSP, TCSP năm học 2019 – 2020.
4. Sau một năm học tại trường, em có thể thay đổi ngành học phù hợp với nguyện vọng và năng lực?
Em không thể thay đổi ngành học đã trúng tuyển, em có thể đăng ký học ngành thứ 2 nếu em đủ điều kiện theo qui định của UEH.
5. Em có được học vượt để hoàn thành chương trình học sớm hơn không?
Em có thể đăng ký học vượt để hoàn thành chương trình sớm nhưng mỗi học kỳ số tín chỉ được học không quá 30 tín chỉ. Tổng lượng học vượt không quá 30% tổng số tín chỉ của cả chương trình.
6. Điều kiện để em có thể học song bằng tại UEH?
Điểm trung bình tích lũy (tính đến thời điểm đăng ký) đạt từ 5.0 trở lên.
7. Em có nên học chương trình thứ hai không?
Học chương trình thứ 2 giúp sinh có thêm bằng khác ngoài chương trình đang học. Tuy nhiên, bạn cần cân nhắc và thu xếp thời gian để hoàn thành 2 chương trình học. Thời gian hoàn thành có thể kéo dài hơn dự kiến.
8. Những quyền lợi mà em nhận được khi học chương trình thứ 2?
Khi học thêm chương trình thứ 2, UEH sẽ hỗ trợ sinh viên: 1. Được tư vấn và hỗ trợ đăng ký học phần để các bạn sinh viên có thể sắp xếp được thời khóa biểu hợp lý; 2. Được ưu tiên giới thiệu việc làm bán thời gian, giới thiệu đơn vị thực tập, được huấn luyện miễn phí 03 kỹ năng ngoài chương trình đào tạo chính khóa, và được ưu tiên xét học bổng từ các nguồn tài trợ; 3. Được hỗ trợ về học phí, cụ thể, giảm 50% học phí chương trình thứ 2 đối với sinh viên diện chính sách; giảm 10% học phí chương trình thứ 2 đối với sinh viên không thuộc diện chính sách.
(Nguồn: http://daotao.ueh.edu.vn )
9. Em có cần phải tuân thủ theo qui tắc ứng xử của người học tại UEH?
Là sinh viên KQM, bạn mong muốn trở thành công dân toàn cầu trong tương lai thì một trong những điều cần làm là KHÔNG ĐƯỢC làm điều trái Luật và qui định. Tuân theo qui định bạn sẽ người ứng xử văn minh.
10. Em muốn bảo lưu kết quả học tập cần những điều kiện gì? Thời gian bảo lưu tối đa cho phép là bao lâu? Sau khi hết thời gian bảo lưu, thủ tục nhập học lại là gì?
Ngoài 2 lý do bảo lưu kết quả học tập do thi hành nghĩa vụ quân sự và sức khoẻ, sinh viên bảo lưu kết quả học tập vì lý do khác, phải thoả 2 điều kiện sau:
- Phải học ít nhất 01 học kỳ tại trường.
- Đạt điểm trung bình tích lũy từ 5,0 trở lên.
Thời gian bảo lưu tối đa: 2 năm đối với sinh viên ĐHCQ, và 1 năm đối với sinh viên Liên thông ĐHCQ và Văn bằng 2 ĐHCQ.
Sau khi hết thời gian bảo lưu kết quả học tập, sinh viên làm thủ tục nhập học lại.
11. Em có thể học lại để cải thiện điểm học phần?
Sinh viên có thể đăng ký học lại để cải thiện điểm học phần của mình.
Sinh viên cần lưu ý:
- Không phải môn học nào cũng có mở lớp vào mỗi học kỳ. Đối với một số môn chuyên ngành, chỉ có lớp khi đến đợt học tập trung của sinh viên chính quy.
Các môn cải thiện điểm sẽ có kết quả vào cuối học kỳ. Tuy nhiên, thời điểm xét tốt nghiệp sẽ có thể diễn ra trước mỗi kỳ thi học kỳ. Vì vậy, sinh viên cần cân nhắc phải hoàn thành và có kết quả trước đợt xét tốt nghiệp hằng năm.
12. Em phải làm gì khi không đạt điểm học phần?
Em phải đăng ký học lại học phần này ở các học kỳ sau để hoàn thành chương trình qui định.
Sinh viên cần lưu ý:
- Không phải môn học nào cũng có mở lớp vào mỗi học kỳ. Đối với một số môn chuyên ngành, chỉ có lớp khi đến đợt học tập trung của sinh viên chính quy.
- Các môn cải thiện điểm sẽ có kết quả vào cuối học kỳ. Tuy nhiên, thời điểm xét tốt nghiệp sẽ có thể diễn ra trước mỗi kỳ thi học kỳ. Vì vậy, sinh viên cần cân nhắc phải hoàn thành và có kết quả trước đợt xét tốt nghiệp hằng năm.
13. Em đăng ký học cải thiện điểm học phần A, nếu kết quả học lại không tốt hơn lần trước thì em có thể lấy kết quả trước không?
Em đã đăng ký học cải thiện học phần A. Căn cứ vào điều 9, Quy định “Tổ chức đào tạo theo hệ thống tín chỉ tại trường Đại học kinh tế TP. Hồ Chí Minh” (Ban hành kèm theo quyết định số 1407/QĐ-ĐHKT-TCHC ngày 03 tháng 9 năm 2009 của Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh) quy định : Kết quả lần học sau cùng trong các lần học sẽ được chọn để tính vào điểm trung bình tích lũy.